Việt Nam cần tham gia thiết lập chuẩn quốc tế về tần số

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành tần số và mong muốn Việt Nam dẫn đầu lĩnh vực này.

Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Cục Tần số vô tuyến điện sáng 10/6, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá tần số vô tuyến điện là một lĩnh vực đặc biệt và đang có những thay đổi quan trọng. Trong khi đa số tài nguyên càng dùng, càng khai thác sẽ càng hết, tần số là tài nguyên "dùng nhưng không cạn kiệt mà còn sinh ra tiền, làm cho đất nước phát triển và càng khai thác càng to ra". Ví dụ với công nghệ 2G, 1 Hz sinh ra chưa được 1 bit/giây, nhưng với công nghệ 4G, 1 Hz có thể sinh ra hàng chục bit/giây, tức hiệu quả khai thác tài nguyên tăng hàng chục lần.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện, sáng 10/6. Ảnh: Anh Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện, sáng 10/6.

Trong 30 năm phát triển của Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ trưởng đánh giá 10 năm đầu gắn với sự xuất hiện sớm của điện thoại di động tại Việt Nam, 10 năm tiếp theo gắn với phân bổ tần số để tạo ra cạnh tranh và phổ cập điện thoại cho toàn dân và 10 năm qua là băng rộng di động. Trong giai đoạn tới, Bộ trưởng đề nghị ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, trong đó có việc chuyển từ nhóm theo sau sang nhóm đi đầu, phổ cập kiến thức về tần số cho toàn dân, và tiến hành đấu giá tần số để mang lại ngân sách cho nhà nước, đồng thời đánh giá hiệu quả của tần số đó.

"Trước đây, chúng ta nghèo nên chọn thời điểm triển khai công nghệ là khi thế giới đã có 20- 25% người dùng, để thiết bị rẻ xuống mới cho triển khai. Bây giờ, ta muốn dẫn đầu, lại sản xuất được thiết bị, nên để TP HCM, Hà Nội đi đầu như Mỹ, để Việt Nam không phải lúc nào cũng đi sau, đi theo mà phải là người tham gia thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế", Bộ trưởng nói.

Theo ông, lĩnh vực tần số đang có nhiều thay đổi cả ở Việt Nam và trên thế giới, trong đó có vai trò ngày càng tăng của tần số quỹ đạo vệ tinh, nhất là vệ tinh tầm thấp. Đối với quân sự, đó là các vệ tinh viễn thám độ phân giải cao. Đối với dân sinh là hệ thống vệ tinh chùm với "hàng nghìn, chục nghìn vệ tinh tầm thấp phủ cả thế giới, băng thông rộng, có thể làm một cuộc đảo lộn trong ngành viễn thông".

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh đơn vị quản lý tần số cần coi tần số không chỉ là vấn đề kỹ thuật chuyên sâu của một số chuyên gia, mà là vấn đề của toàn dân. "Nó động chạm đến mọi mặt của kinh tế - xã hội. Phổ cập hóa kiến thức về tần số trở thành một nhiệm vụ mới của Cục Tần số vô tuyến điện", ông nói.

Đánh giá tần số cấp ra cho các nhà mạng Việt Nam đang ít hơn khá nhiều so với các nước, dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp, chi phí đầu tư hạ tầng tăng, Bộ trưởng yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm năm nay của Cục là đấu giá tần số 4G, 5G.

Trong bối cảnh Việt Nam bước vào cuộc đổi mới viễn thông lần thứ hai, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số và hạ tầng của nền kinh tế số, ông Nguyễn Mạnh Hùng gọi đây là sứ mệnh mới của ngành Viễn thông, trong đó Cục Tần số vô tuyến điện thực hiện vai trò đảm bảo tần số cho di động, băng thông siêu rộng và phổ cập, đồng thời giải quyết bài toán bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn.

Tại sự kiện, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Tần số vô tuyến điện, khẳng định sẽ triển khai, thực hiện hiệu quả những chỉ đạo của Bộ trưởng.