TikTok bị kiểm tra toàn diện tại Việt Nam từ 15/5
Cơ quan liên ngành sẽ thanh kiểm tra toàn diện hoạt động của nền tảng video ngắn TikTok Việt Nam từ 15/5 đến hết tháng.
Tại cuộc họp báo sáng 5/5, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Cục đã lập kế hoạch kiểm tra, danh sách thành viên của đoàn và gửi công văn cho các Bộ, ngành liên quan để cử người.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, tại họp báo sáng 5/5. Ảnh
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng Cục Thuế trong quá trình kiểm tra TikTok tại Việt Nam. Chương trình dự kiến tập trung vào những vấn đề như cách phân phối nội dung, thuế, thương mại điện tử, quảng cáo.
Trước đó, trong cuộc họp đầu tháng 4, Bộ đánh giá tình trạng video có nội dung độc hại xuất hiện nhiều trên TikTok, nhưng nền tảng không chủ động ngăn chặn và xử lý.
Ra mắt thị trường trong nước từ tháng 4/2019, số người sử dụng TikTok tại Việt Nam nhanh chóng bùng nổ trong ba năm đại dịch và hiện đạt gần 50 triệu, đứng thứ sáu trên toàn cầu và đứng thứ nhất tại Đông Nam Á, theo thống kê của Data Reportal tính đến tháng 2. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động của nền tảng tồn tại nhiều vấn đề, như chưa có biện pháp kiểm soát nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em.
Ngoài ra, nền tảng dùng thuật toán phân phối tự động nhằm tạo xu hướng, dẫn đến tình trạng phát tán nội dung câu view, bất chấp sự phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ. TikTok cũng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái.
Trong khi đó, đại diện TikTok tại Việt Nam cho biết "rất trông chờ đón tiếp đoàn công tác liên ngành vì sẽ là cơ hội để TikTok lắng nghe góp ý từ Chính phủ và có thể hoạt động tốt hơn trong tương lai".
Trên thế giới, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan đã cấm TikTok vì lo ngại về vấn đề bảo mật, quyền riêng tư, nội dung trái đạo đức. Ngoài ra, một số quốc gia và tổ chức cũng cấm ứng dụng trên thiết bị của công chức, nhân viên chính phủ, như Mỹ, Australia, Anh, Canada, New Zealand, Pháp, Na Uy, Bỉ, Hà Lan, Estonia, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu, Hội đồng EU vì vấn đề an toàn thông tin.