Tham vọng tự chủ chip của Trung Quốc gặp khó

 

Tham vọng tự chủ chip của Trung Quốc gặp khó

Trung Quốc có thể sẽ không mua được thiết bị sản xuất chip từ ASML sau khi Ngoại trưởng Hà Lan xác nhận đang thảo luận vấn đề này với Mỹ.

"Điều tôi có thể nói là bạn luôn được bạn bè liên hệ nếu đang nắm giữ một số loại hàng hóa có ý nghĩa chiến lược sâu rộng và phân nhánh trên toàn cầu", Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra cho biết trong một cuộc họp báo ở The Hague hôm 13/7. "Tất nhiên, sẽ có những cuộc thảo luận về điều đó và chúng tôi cũng không ngoại lệ".

Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Wopke Hoekstra. Ảnh: Bloomberg

Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Wopke Hoekstra. Ảnh: Bloomberg

Sự thừa nhận của Hoekstra được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ đang vận động Hà Lan ngăn cấm ASML bán hệ thống in thạch bản cực tím (DUV) độc quyền cho Trung Quốc, theo Bloomberg. DUV không phải là hệ thống mới nhất, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các loại chip phục vụ cho ôtô, điện thoại, máy tính và robot - những thứ mà nền công nghiệp Trung Quốc đang rất cần.

Chính phủ Hà Lan hiện đối mặt áp lực từ Mỹ trong việc bán các hệ thống như DUV cho các đối tác châu Á, chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa đưa ra bất kỳ lệnh cấm hay hạn chế nào cho đến nay. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hà Lan sau Đức và Bỉ.

Trong khi đó, ASML - công ty Hà Lan thành lập năm 1984 - phản đối đề xuất cấm bán thiết bị in thạch bản DUV cho khách hàng Trung Quốc. Peter Wennink, CEO công ty, cho biết hồi đầu năm rằng đây là công nghệ "đã trưởng thành", có mức độ phổ biến lớn, do đó việc cấm đoán là điều không nên. Các đối tác Trung Quốc đóng góp 14,7% tổng doanh thu của ASML trong năm 2021.

ASML hiện là đơn vị duy nhất cung cấp cỗ máy quang khắc tối tân cho các công ty chế tạo chip lớn nhất thế giới. Giới chuyên gia thường ví ASML như điểm nghẽn cổ chai, bởi họ chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Con số này thậm chí là 100% với dòng máy quang khắc DUV.

Bên cạnh Hà Lan, quan chức Mỹ được cho là đã cố gắng gây áp lực để Nhật ngừng vận chuyển một số công nghệ đúc chip cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Tập đoàn Nikon của Nhật hiện cạnh tranh với ASML trong lĩnh vực in thạch bản nhúng, còn được gọi là ArFi. Theo Founder Securities, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Trung Quốc, ASML đã bán được 81 hệ thống ArFi trên toàn cầu năm 2021, vượt trội so với 4 hệ thống từ Nikon.