'Điểm nghẽn' khi phát triển 5G

Việt Nam đang nỗ lực phát triển 5G cùng thế giới, nhưng còn vướng mắc ở một số vấn đề, trong đó có cơ sở hạ tầng.

"Muốn phát triển 5G, chúng ta cần có 4.0, nhưng phải có 1.0, 2.0 và 3.0 trước đã. Ý tôi là, cơ sở hạ tầng chưa theo kịp. Drone làm sao triển khai được khi dây diện còn chằng chịt? Đường Hà Nội hiện nay làm sao vận hành được xe tự lái?", ông Nguyễn Tuấn Huy, trưởng ban Chuyển đổi số của MobiFone, nói tại tọa đàm thương mại hóa 5G do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ tổ chức ngày 26/12 ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, trưởng ban Chuyển đổi số của MobiFone. Ảnh: Anh Dũng

Ông Nguyễn Tuấn Huy, trưởng ban Chuyển đổi số của MobiFone.

"Cơ hội nhiều, nhưng thách thức cũng rất lớn", ông Huy phát biểu. "Thách thức đầu tiên là khung pháp lý. Chúng ta chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ, tiêu chuẩn cũng chưa có. Điều này dẫn đến hàng loạt câu hỏi, như nhập thiết bị hãng nào, về có phát sóng được không, có gây nhiễu thiết bị khác được không".

Trưởng ban Chuyển đổi số của MobiFone cho rằng muốn phủ sóng 5G cần có số lượng trạm gốc lớn, dẫn đến thách thức ở mặt đầu tư. Việt Nam có thể cần khoảng vài trăm nghìn trạm gốc. Ông dẫn chứng Trung Quốc hiện có 4-5 triệu trạm gốc 5G và Việt Nam cũng cần khoảng 1/10 con số này, tức 400.000-500.000 trạm. Theo tính toán, một trạm 5G có chi phí bằng 3-4 trạm 4G, do đó số tiền đầu tư sẽ rất lớn.

Một thách thức khác là vấn đề an ninh mạng. Theo ông Huy, với số lượng kết nối IoT rất lớn qua mạng 5G, nếu bị tấn công DDoS, hệ thống có thể dễ bị "sập" nếu không có một hạ tầng mạnh.

Ông Huy cũng cho rằng dù nguồn lực đầu tư lớn, người sử dụng, nhất là các doanh nghiệp chưa sẵn sàng chi trả cho 5G. Ông dẫn số liệu của Hiệp hội Vinasa tại các khu công nghiệp, chế xuất tại TP HCM với 61% trong số 98 doanh nghiệp chưa tự động hóa, 25% tự động hóa "được một chút". Mảng thông minh hóa còn thấp hơn khi 25% doanh nghiệp hoàn toàn không kết nối hay trang bị công nghệ thông minh trong dây chuyền sản xuất.

Ông cũng lấy ví dụ Hải Phòng hiện áp dụng cảng thông minh (ePort), dù thực tế mức độ so với thế giới còn hạn chế. "Nếu muốn đầu tư một cảng thông minh như vậy phải bỏ toàn bộ cái cũ đi", ông nói. "5G chỉ là chất xúc tác, kết nối, liệu cảng có sẵn sàng bỏ tiền cho một dự án chuyển đổi số như vậy không? Vai trò của các nhà mạng như thế nào? Có thể kết hợp cùng nhau để làm được không? Không có chuyện bảo cảng tự bỏ tiền hiện đại hóa toàn bộ, khi một cái cần cẩu thông minh giá đã cả triệu USD, xe tự lái trong cảng cũng 200.000 USD. Ai sẽ bỏ tiền? Các quỹ có mạo hiểm để đầu tư hay không?".

Ông dẫn chứng một số quốc gia đã có chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn, Hàn Quốc bỏ ra 1.96 tỷ USD để đầu tư cho các mô hình điển hình và viện nghiên cứu, trường đại học. Trung Quốc cũng có hàng loạt chính sách để hỗ trợ như ưu đãi thuế, miễn phí tần số.

"Việt Nam không được như vậy nên doanh nghiệp trong nước phải tự bươn chải. Nhà mạng đầu tư rất lớn nhưng chưa nhìn thấy đầu ra. Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn", ông Huy kết luận.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT, việc phát triển hạ tầng số sẽ dựa trên tất cả công nghệ tiên tiến và mới nổi, tạo ra nền tảng cho hoạt động đổi mới, sáng tạo, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.